Chiều ngày 14/11/2020, Trường Đại học Tài chính – Marketing đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới công tác thể dục thể thao trường học trong thời kỳ hội nhập và phát triển”.
Tham dự hội thảo có sự hiện diện của PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và đào tạo; GS.TS Lê Quý Phượng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Thể dục thể thao, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao Tp. Hồ Chí Minh; PGS.TS.NGƯT Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng đào tạo trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Tp. Hồ Chí Minh. Về phía trường Đại học Tài chính – Marketing có sự hiện diện của TS. Hoàng Đức Long, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường; TS. Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng cùng đông đảo các nhà khoa học, quý thầy cô giảng viên trong và ngoài trường.

Hội thảo đã nhận được trên 80 bài tham luận từ các giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài trường. Tại hội thảo, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các giảng viên đã chia sẻ những kinh nghiệm, tiếp thu những ý kiến đóng góp, trao đổi về các vấn đề:
- Thực trạng và Giải pháp nâng cao thể chất cho học sinh, sinh viên;
- Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần Giáo dục thể chất;
- Phát triển hoạt động TDTT ngoại khóa và các câu lạc bộ TDTT Trường học;
- Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong giảng dạy và huấn luyện thể thao cho học sinh, sinh viên;
- Xã hội hóa TDTT - Những thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển công tác thể dục thể thao trong trường học;
- Quản lí công tác TDTT Trường học;
- Các vấn đề về sản nghiệp thể thao; Văn hóa thể chất; Kinh tế thể thao; Thể thao quần chúng và các vấn đề khác có liên quan đến công tác TDTT Trường học

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng UFM nhấn mạnh,công tác thể dục thể thao (TDTT) trường học không chỉ có ý nghĩa trong việc rèn luyện thân thể, mà nó còn ảnh hưởng đến nhiều mặt khác trong đời sống con người. Trong hoạt động TDTT, mối quan hệ hành vi giữa cá nhân và tập thể (vận động viên, khán giả, trọng tài,…) rất đa dạng, phong phú và biến hóa sinh động, đặc biệt trong thi đấu đối kháng của thể thao thành tích cao. TDTT không những cần mà còn có thể giáo dục tư tưởng, đạo đức tốt, có ý chí, lòng yêu nước, tinh thần tập thể, tính kỷ luật, trung thực, dũng cảm, quả quyết tự tin, biết kiềm chế bản thân.
Xét về mặt đời sống xã hội có thể nói: Nếu làm tốt công tác TDTT, nó có thể góp phần đáng kể vào việc xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, văn minh trong xã hội và đó cũng là một công cụ để chuyển tải những giá trị tư tưởng, tinh thần của một chế độ đến với quần chúng nhân dân trong nước nói riêng cũng như cộng đồng quốc tế nói chung. Còn ngược lại, nó sẽ ảnh hưởng xấu và gây ra hậu quả rất phức tạp, dễ lan rộng.

Đoàn chủ tọa chủ trì hội thảo

PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và đào tạo phát biểu tại

Các đại biểu tham dự Hội thảo đóng góp ý kiến, trao đổi thẳng thắn các vấn đề
Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học và các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi sôi nổi, thẳng thắn để đưa ra các mô hình, giải pháp cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng công tác TDTT trường học. Đồng thời xác định, xây dựng và phát triển đất nước trong xu thế hội nhập sâu rộng trên toàn cầu, cộng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đòi hỏi ngành giáo dục cần phải có những định hướng cho mục tiêu cải cách và phát triển phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện đại. Trong đó không thể thiếu hoạt động TDTT trường học, vì cùng với nghệ thuật, âm nhạc, hội họa,... TDTT là một trong những món ăn tinh thần, thể hiện nét văn hóa của dân tộc và là phương tiện hữu hiệu để phát triển thể chất cho người dân và quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế.
Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo:




Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đoàn tham gia Hội thảo còn có buổi giao lưu thể thao đầy sôi động.




Hồng Quân, Ngọc Phương